Đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các cụm công nghiệp

Sự phát triển mạnh mẽ của các cụm công nghiệp (CCN) vẫn chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư, nhất là các DN vừa và nhỏ, cũng như chưa tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Huy Nhỡn- Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên- xung quanh vấn đề này.

Thái Nguyên:

CôngThương -  Ông có thể cho biết về chất lượng và tính khả thi của các CCN Thái Nguyên trong thời gian qua và những khó khăn khi triển phát triển CCN ?

Hiện nay toàn tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được 22 CCN, dự tính đến năm 2020 sẽ là 28 CCN… Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN còn hạn chế, tỷ lệ lấp đầy dự án còn chậm. Trong tổng số 28 CCN quy hoạch đến năm 2020 thì hiện mới có 14 CCN có chủ đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng, trong đó hầu hết việc xây dựng hạ tầng đều chưa đạt được tiến độ đề ra. Cũng trong tổng số 54 dự án đăng ký và đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh thì chỉ có gần 30 dự án đã chính thức đi vào sản xuất, kinh doanh, số còn lại là đang chờ mặt bằng, chưa đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư.

335-1

Thực tế, triển khai CCN tại Thái Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, vì là tỉnh trung du miền núi, điều kiện vốn đầu tư hạ tầng hạn chế, tỉnh lại không có ngân sách để đầu tư. Nhà đầu tư đến Thái Nguyên nhìn lên toàn đồi núi mà ngán ngẩm! Hơn nữa, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư của không ít dự án còn chậm. Cùng với đó, một số dự án khi triển khai tại CCN do thiếu vốn nên phải dừng đầu tư trong thời gian dài gây khó khăn cho công tác quy hoạch chung của CCN. Chính vì thế mà có thể khẳng định nhiều CCN trên địa bàn chưa thể phát triển mạnh theo yêu cầu đặt ra

335-2

Ông Lê Huy Nhỡn- Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên

 

Hiện nay, việc đầu tư vào CCN đang quá dàn trải, ông có nhận xét gì?

Theo nhận định của tôi, mỗi địa phương trong tỉnh không cần quá nhiều các CCN, điều quan trọng là tỷ lệ lấp đầy dự án và chất lượng hoạt động của các dự án trong CCN đó ra sao. Bởi vậy, phát triển 28 CCN vào năm 2020 của Thái Nguyên là con số tương đối thích hợp. Điều đáng quan tâm hiện nay lại là vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và thu hút các dự án tham gia. Đây là nội dung đáng phải bàn tính, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đang rất khó khăn như hiện nay.

Chính việc đầu tư dàn trải đã dẫn đến những tồn tại là nhiều CCN quy hoạch xong rồi để đấy. Nguyên nhân chính là do không kêu gọi được các chủ đầu tư và thiếu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các CCN đó. Trong khi người dân thiếu đất để phát triển nông nghiệp, nhưng đất phục vụ khu công nghiệp lại nhiều quá mức. Chính vì lẽ đó các địa phương phải có trách nhiệm rà soát lại, cân đối giữa nhu cầu phát triển để quy hoạch cho phù hợp.

Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới Thái Nguyến cần có những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các CCN, thưa ông?

Thái Nguyên đang chú trọng chỉ đạo quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các CCN một cách đồng bộ, đảm bảo môi trường. Tập trung vốn và nguồn nhân lực để giải phóng mặt bằng giao đất nhanh hơn cho nhà đầu tư. Chuyển biến mạnh về cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban giải quyết nhanh, xử lý ngay các vướng mắc của DN đề nghị.

Đồng thời bám sát các nhà đầu tư cùng phối hợp với các ngành để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư thúc đẩy phát triển CCN một cách hiệu quả. Theo tôi, không nên dùng quyền của nhà nước đưa ra để áp đặt và răn đe, như vậy sẽ không đem lại hiệu quả!

Sở Công Thương sẽ tổ chức một số hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư đến với địa phương. Thực tế, tiềm năng của Thái Nguyên là có như khoáng sản, đất đai… để đối tác nghiên cứu tìm hiểu thị trường để cùng hợp tác đầu tư hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn : baocongthuong.com.vn