Công nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Tiến sỹ Võ Trí Thành- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, bài toán hiện nay đặt ra đối với phát triển công nghiệp Việt Nam là làm gì để dịch chuyển vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Công nghiệp Việt Nam hiện ở đâu trong chuỗi giá trị khu vực?
Cơ cấu kinh tế Việt Nam thay đổi đáng kể với đóng góp lớn của công nghiệp, nhưng cho đến nay, lợi thế của Việt Nam vẫn là lao động giá rẻ. Trong môi trường cạnh tranh ngày nay, lợi thế này đang giảm nhanh chóng. Phần lớn công nghiệp Việt Nam trên thực tế vẫn đơn thuần là lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Nói cách khác, trong chuỗi giá trị gia tăng, công nghiệp Việt Nam hiện đứng ở đáy.
Cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị quốc tế cho công nghiệp Việt Nam bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Có hai cách, nhưng quan trọng nhất là vai trò của Chính phủ. Thứ nhất, vẫn lợi thế lao động giá rẻ nhưng phải tăng năng suất, cách này có giới hạn. Do đó, muốn tăng giá trị gia tăng, công nghiệp Việt Nam phải gắn với mạng lưới công nghiệp khu vực và toàn cầu. Việc này là rất khó bởi những ngành công nghiệp quan trọng do các tập đoàn lớn chi phối.
Thứ hai,nâng giá trị gia tăng bằng công nghệ (nghiên cứu, thiết kế, triển khai). Nhưng đây lại là lĩnh vực mà Việt Nam còn rất yếu.
Tiến sỹ Võ Trí Thành
Công nghiệp ôtô là điển hình thất bại trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Vậy bài học nào có thể rút ra?
Ôtô là ngành công nghiệp quan trọng nhưng chúng ta đã phạm nhiều sai lầm về lựa chọn mục tiêu chính sách, cách thức bảo hộ. Chúng ta dựa vào tư duy cách đây 30 năm để phát triển ngành ôtô. Trước đây, phát triển công nghiệp ôtô dựa vào hàng rào thuế quan và nội địa hóa.
Nhưng bây giờ, với mức độ cam kết mở cửa cao, chính sách này gần như không sử dụng được nữa. Bài học về phát triển công nghiệp ôtô Trung Quốc cho thấy, bảo hộ không phải là cách để phát triển mà phải tạo ra sự cạnh tranh.
Thế nhưng, cạnh tranh không phải để họ đẩy mình về đáy chuỗi giá trị mà thông qua kết nối với các tập đoàn lớn. Công nghiệp ôtô Việt Nam cần học hỏi và đi cùng với chú trọng chuyển giao công nghệ.
Trong phát triển công nghiệp, quan trọng nhất là vấn đề dung lượng thị trường và lợi thế nhờ quy mô. Phát triển công nghiệp Việt Nam phải đặt trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, để dịch chuyển lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.
Mở lối cho công nghiệp ôtô tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng có ý nghĩa đối với nâng vị trí công nghiệp trên bản đồ thế giới?
Muốn phát triển, công nghiệp ôtô Việt Nam phải phát triển kỹ năng, công nghệ. Nhưng hiện tại, công nghiệp ôtô Việt Nam, đặc biệt là phân ngành xe ca, có khả năng cạnh tranh rất yếu. Lắp ráp xe tải con có thể tạm được.
Tôi nghĩ, chúng ta phải nghĩ cách chuyển dịch sản xuất linh kiện xe máy sang sản xuất linh kiện ôtô trong mạng toàn cầu. Quá trình dịch chuyển này rất cần nhà nước có hỗ trợ nhất định về thuế, đào tạo lao động để vừa tiếp tục cái cũ và chuyển sang cái mới.
Ngoài ra, nhà nước cần hỗ trợ cung cấp thông tin để doanh nghiệp lựa chọn những phân khúc linh kiện ôtô lợi thế. Nghiên cứu này phải rất kỹ. Chúng ta biết rằng, Thái Lan có 1.800 công ty sản xuất linh kiện ôtô. Doanh nghiệp Việt Nam phải tìm các thị trường nhánh, có đủ quy mô và mạng phân phối khu vực toàn cầu. Bên cạnh đó là thu hút các tập đoàn ôtô quốc tế. Nhiều tập đoàn lớn, đặc biệt từ Nhật Bản, vẫn thấy ở Việt Nam tiềm năng về sản xuất linh kiện ôtô.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn : baocongthuong.com.vn