Nâng cao chất lượng cụm công nghiệp
Sau 2 năm thực hiện Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề quản lý cụm công nghiệp (CCN) trên phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc thu hút các DN đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy các CCN vẫn còn khó khăn.
CôngThương - Xây dựng CNN còn nhiều khó khăn. Hiện nay, các CCN trên cả nước đã thu hút được 7.300 dự án với lượng vốn đăng ký đầu tư trên 112.000 tỷ đồng, thu hút được 460.000 lao động.
Điển hình nhất là sự thiếu liên kết trong phát triển CCN nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương. Ông Nguyễn Văn Thịnh- Trưởng phòng quản lý cụm, điểm, Cục Công nghiệp địa phương- khẳng định, cho đến thời điểm này, chưa có tỉnh nào thành công về mặt quy hoạch, thậm chí một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc QĐ 105. Cụ thể, Bắc Giang bổ sung quy hoạch 3 CCN không đúng thủ tục; Thanh Hóa bố trí và chấp thuận dự án đầu tư vào CCN chưa phù hợp với mục tiêu quy hoạch; Gia Lai chưa rà soát, bãi bỏ kịp thời một số văn bản hành chính của địa phương không còn phù hợp với quy chế.
Thực tế, việc xây dựng ban hành hướng dẫn các địa phương xử lý chuyển đổi các CCN còn chậm khiến các địa phương rất khó triển khai. Ông Phan Thanh Tịnh- Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết: “Nghệ An có 10 huyện miền núi nằm trong diện hỗ trợ nguồn vốn. Tỉnh đã xây dựng chính sách chờ bổ sung quy hoạch cả năm nay nhưng vẫn chưa thấy tiền đâu, vì nhiều thủ tục rất nhiêu khê. Hậu quả là, một số CCN đang cần hoạt động mà vẫn phải chờ đợi”.
Sự phát triển “nóng” của các CCN làng nghề ở một số địa phương cũng đang bộc lộ nhiều bất cập trong sử dụng đất, cơ sở hạ tầng yếu kém. Ông Vũ Doãn Quang - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương - chia sẻ: Do phát triển theo phong trào nên hầu hết các CCN Hải Dương chỉ được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng mà chưa có quyết định thành lập theo đúng Quy chế quản lý CCN, dẫn tới tình trạng cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, không hấp dẫn các nhà đầu tư… Trong tổng số 35 CCN trên địa bàn Hải Dương hiện mới có 2 DN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN.
Tạo “đòn bẩy” từ cơ chế
Theo lãnh đạo các Sở Công Thương, để thuận lợi cho việc quản lý các CCN, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần hướng dẫn cụ thể quy định về trung tâm phát triển CCN, đồng thời, cho phép thành lập trung tâm phát triển CCN cấp tỉnh để nâng cao tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Bà Đào Thu Vịnh- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội -chia sẻ: “Hà Nội có tới 204 CCN, nếu không thành lập các trung tâm phát triển CCN thì không quản lý xuể. Tuy nhiên, CCN nào phát huy hiệu quả thì mới nên thành lập, chứ không nên làm phình to bộ máy”. Cũng theo bà Vịnh, việc sớm tháo gỡ những khó khăn tồn tại và xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ sát thực sẽ là “đòn bẩy” giúp CCN phát triển hiệu quả.
Ông Ngô Quang Trung- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương- cho rằng, các địa phương cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn cho phù hợp thực tế theo hướng nâng cao chất lượng lập quy hoạch, không phát triển tràn lan theo phong trào.
Cũng theo ông Trung, siết chặt quản lý hoạt động của các CCN là giải pháp cấp thiết mà các địa phương sẽ thực hiện nhằm hạn chế những bất cập hiện nay.
Nguồn : baocongthuong.com.vn